Sai lầm của cha mẹ khiến ho ở trẻ trở nên nghiêm trọng

Sai lầm của cha mẹ khiến ho ở trẻ trở nên nghiêm trọng
Ho là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ nhất là khi thời tiết giao mùa. Ở một vài trường hợp có thể không nguy hiểm nhưng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của trẻ, đặc biệt khi trẻ đã đến tuổi đi học.

Ho là một phản xạ nhằm tống xuất các chất dịch, đờm do phế quản hay phổi tiết ra hoặc các dị vật từ ngoài lọt vào như: Thức ăn, bụi... ra khỏi đường hô hấp. Tùy nguyên nhân mà tính chất ho và đặc điểm bệnh lý sẽ khác nhau.

Có nhiều nguyên nhân gây ho như: Nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virus), do viêm mũi dị ứng, ho do tiếp xúc với các chất kích thích như: Khói, bụi, khí trời lạnh. Tuy nhiên, ở trẻ ho thường liên quan với các bệnh đường hô hấp trên, nhưng đôi khi ho lại là một quá trình nghiêm trọng hơn.

Các dạng ho thường gặp có thể là ho khan, ho có đờm hay ho dị ứng. Ho khan là tiếng ho khô, hầu như không có đờm hay chất nhầy, càng ho trẻ càng cảm thấy rát cổ họng. Khi ho do dị ứng trẻ thường ho thành cơn, nhất là trước lúc đi ngủ, sau khi ngủ dậy hay lúc chuyển tư thế.

Trẻ ho do kích ứng thời tiết thường sẽ có rất nhiều đờm, nhưng là đờm trong, không sốt.

Ho đờm có đặc trưng là nặng ngực, thường khạc ra đờm loãng hoặc đờm đặc. Trên thực tế nhiều cha mẹ khi thấy trẻ ho rất lo lắng vì sợ dẫn đến viêm phổi nên vội mua thuốc trị ho hoặc ai mách gì đều áp dụng.

Dưới đây là những sai lầm thường gặp khiến tình trạng ho ở trẻ càng trở nên nghiêm trọng, cha mẹ cần lưu ý:

- Trẻ ho là do lạnh và ủ ấm quá kỹ

Nhiều cha mẹ có quan niệm ho là do lạnh, nên khi thấy trẻ ho cha mẹ kiêng tắm, mặc nhiều quần áo, không cho trẻ ra ngoài… Tuy nhiên, việc ủ ấm quá kỹ cho trẻ lại khiến tình trạng ho nặng hơn. Cha mẹ không nên cho trẻ mặc 3 - 4 lớp áo và nhốt trẻ trong phòng kín. Nếu trẻ ho kèm sốt, cha mẹ nên mặc đồ thoáng mát cho trẻ để nhiệt tỏa ra môi trường xung quanh, mở cửa sổ thông thoáng để trao đổi không khí. Không ít trẻ ho sau 1 - 2 ngày mới bị sốt, song cha mẹ không phát hiện thấy triệu chứng sốt hay dấu hiệu khó thở nếu ủ ấm trẻ quá kỹ. Khi trẻ ho chỉ cần cha mẹ tránh để trẻ tiếp xúc trực tiếp với gió lùa, vẫn có thể tắm vệ sinh cơ thể cho trẻ, nhưng cần tắm với nước ấm và nhanh, tránh trẻ bị lạnh.

tre bi ho

- Ăn uống kiêng khem kỹ

Khi trẻ ho nhiều cha mẹ lo sợ tình trạng nặng nên cho trẻ ăn uống kiêng khem các loại thực phẩm như: Tôm, cua, tôm, thịt gà, rau cải...nhưng trên thực tế các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, chưa có chứng cứ khoa học chứng minh các thực phẩm này khiến trẻ ho nặng hơn. Nếu trẻ ho thường lười ăn nên việc kiêng khem quá kỹ các thực phẩm giàu dinh dưỡng trong thời gian này càng sai lầm. Khi chế độ ăn đơn điệu trẻ chán ăn hơn, cơ thể thiếu chất càng làm mất sức đề kháng và ốm nặng hơn. Chính vì vậy, trẻ ho không cần kiêng ăn, có thể cho trẻ ăn tôm nhưng bóc vỏ và chỉ cần kiêng những thực phẩm gây dị ứng. Nghĩa là trẻ ho do hen suyễn hoặc trẻ có cơ địa dị ứng thì cần tránh các thức ăn dễ bị dị ứng như trứng, tôm, cua, cá, sữa bò... còn lại không cần kiêng khem quá kỹ.

- Cho trẻ uống thuốc trị ho ngay

Khi trẻ ho cha mẹ lo lắng, muốn con mau khỏi bệnh, vội vàng ra hiệu thuốc mua ngay loại trị ho với mong muốn khỏi nhanh. Nếu dùng thuốc ho loại mạnh và liều cao, không tương thích với cơ thể trẻ có thể dẫn đến triệu chứng sốc thuốc, các tác dụng phụ nguy hiểm sau khi sử dụng.

Thậm chí có người còn cho rằng cứ cho trẻ uống siro ho là yên tâm, nhất là siro ho thảo dược.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần hiểu rằng ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm loại trừ chất đờm nhớt, chất kích thích hay siêu vi ra khỏi đường thở. Nói cách khác, phản xạ ho trong đa số trường hợp mang tính chất bảo vệ. Vì vậy, thuốc ho chỉ nên sử dụng trong trường hợp trẻ ho khan, ho quá mức, gây mệt mỏi, nôn ói, mất ngủ…

Ngay cả khi chế phẩm siro ho thảo dược phổ biến tương đối an toàn và có thể sử dụng được cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng lưu ý nếu trong thành phần của siro ho có chứa menthol (hay tinh dầu bạc hà) thì không sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi, vì menthol có khả năng gây ức chế hô hấp cho trẻ. Ngoài ra, cho trẻ uống liều lượng bao nhiêu còn tùy thuộc vào từng lứa tuổi… vì vậy, tốt nhất không tự ý vội vàng mua thuốc ho cho trẻ uống.

- Đỡ ho trẻ không cần dùng thuốc

Ngược lại với việc cha mẹ quá lo sử dụng thuốc, thì nhiều cha mẹ lại lo lắng về tác dụng phụ của thuốc hại cho trẻ. Nên sau 2 - 3 ngày dùng thuốc theo đơn được bác sĩ chỉ định, các triệu chứng thuyên giảm, cha mẹ ngừng cho trẻ uống thuốc. Điều này khiến tình trạng bệnh dễ tái phát bởi ngưng thuốc giữa chừng khó điều trị dứt điểm bệnh. Đặc biệt là những đơn thuốc có kháng sinh, nếu điều trị không đúng phác đồ dễ gây ra tình trạng kháng thuốc. Những lần bệnh sau, loại kháng sinh này thường không còn tác dụng do vi khuẩn kháng thuốc.

- Cho trẻ uống ngay kháng sinh 

Khi trẻ ho cha mẹ cho rằng chắc do viêm họng, lây nhiễm bệnh và sợ viêm phổi nên cha mẹ mua kháng sinh điều trị ngay. Trong khi đó, ho ở trẻ chủ yếu có nguyên nhân do virus. Trong khi việc dùng kháng sinh cần được các bác sĩ cân nhắc chỉ định. Vì kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt hoặc ức chế vi khuẩn, còn các bệnh do virus thì không có tác dụng.

Việc lạm dụng kháng sinh để điều trị nhóm bệnh hô hấp cũng dẫn tới tình trạng kháng thuốc ở trẻ. Ngoài ra, dùng kháng sinh bừa bãi còn khiến trẻ tăng nguy cơ dị ứng, gặp các bệnh mạn tính như hen phế quản, béo phì, viêm khớp...

- Sử dụng đơn thuốc cũ

Với suy nghĩ đơn thuốc trước hiệu nghiệm rất tốt và tiết kiệm thời gian thăm khám, nên khi thấy trẻ ho cha mẹ lấy đơn thuốc cũ ra mua để trị bệnh cho trẻ. Đây là một thói quen xấu và thực tế cho thấy triệu chứng ho có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý, nguyên nhân và mức độ trầm trọng khác nhau. Ngoài ra, khi trẻ lớn hơn, loại thuốc và liều lượng cũng thay đổi. Đơn thuốc cũ không còn phù hợp, thậm chí gây nguy hiểm cho trẻ nếu điều trị sai bệnh.

Tóm lại: Ho ở trẻ là vấn đề thường gặp, nếu cha mẹ lo lắng hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Không nên tự điều trị, điều trị theo mách bảo khiến tình trạng ho sẽ trầm trọng hơn.

Cha mẹ phải nhớ, thuốc ho chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng ho tạm thời cho trẻ, chứ không điều trị nguyên nhân gây bệnh. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ho là cảm lạnh (hay viêm đường hô hấp – mà đa số là do virus gây nên). Trường hợp này cũng không cần thiết sử dụng thuốc ho, chỉ cần giữ ấm cho trẻ, cho uống nhiều nước hơn, nghỉ ngơi và dinh dưỡng đầy đủ, trẻ sẽ khỏi bệnh.

Tác giả bài viết: BS Trần Anh Tuấn

Nguồn tin: Báo Sức khỏe và Đời sống

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Tin tức khác?

8 cách phòng hội chứng căng đau vai gáy hiệu quả

8 cách phòng hội chứng căng đau vai gáy hiệu quả

Hội chứng căng đau vai gáy là rối loạn cơ - xương thường gặp nhất mà ai cũng...

Trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần lưu ý 5 điều sau

Trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần lưu ý 5 điều sau

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em, nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng,...

8 lợi ích tuyệt vời của củ dền đối với sức khỏe

8 lợi ích tuyệt vời của củ dền đối với sức khỏe

Củ dền không chỉ có màu đỏ đẹp mắt mà còn bổ dưỡng và chứa nhiều vitamin, khoáng...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?