Viêm tụy cấp ở trẻ em, nguyên nhân và dấu hiệu nguy hiểm

Viêm tụy cấp ở trẻ em, nguyên nhân và dấu hiệu nguy hiểm
Mới đây, một bệnh nhi 11 tuổi nhập viện ở Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng nôn nhiều và đau bụng đột ngột tăng dần. Sau khi khám và làm các kết quả xét nghiệm, CT Scanner cho thấy bệnh nhi bị viêm tụy cấp.
Vậy, viêm tụy cấp ở trẻ do đâu, dấu hiệu nào cần nhập viện để cha mẹ phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.

Nguy hiểm khó lường khi trẻ bị viêm tụy

Nhiều người cho rằng viêm tụy cấp chỉ gặp ở người lớn, bia rượu, tiệc tùng nhiều nhưng thực tế bệnh viêm tụy cũng xảy ra ở trẻ em và có dấu hiệu không rõ ràng. Nếu chậm phát hiện, không đưa trẻ tới bệnh viện kịp thời trẻ sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Viêm tụy cấp là một rối loạn nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong từ 5 – 15%, tùy thuộc vào nguyên nhân, tuổi và bệnh đi kèm. Tuyến tụy là một cơ quan của hệ tiêu hóa, tiết ra các men tiêu hóa giúp tiêu hóa các chất đường, đạm và mỡ từ thức ăn.

Viêm tụy là sự tự tiêu hủy của tuyến tụy, gây ra do men tụy, lan đến mô xung quanh và các cơ quan xa. Viêm tụy cấp có nhiều nguyên nhân như sỏi túi mật, thuốc, nhiễm trùng, chấn thương, rối loạn chức năng,… nhưng ở trẻ em thường không tìm được nguyên nhân, bệnh diễn tiến từ nhẹ đến nặng dẫn đến tử vong.
viem tuy cap o tre 16922429951291488127080
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi 4 tuổi, ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng mắc viêm tụy cấp.

Các nghiên cứu ghi nhận rằng có các yếu tố gây nguy cơ viêm tụy cấp bao gồm:

- Sỏi mật.

- Dùng một số loại thuốc.

-Tổn thương vùng bụng.

- Béo phì.

- Đái tháo đường.

- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh viêm tụy.

- Dị tật bẩm sinh (tuyến tụy hình khuyên).

- Rối loạn di truyền (viêm tụy di truyền, xơ nang, thiếu alpha 1-antitrypsin).

- Nhiễm ký sinh trùng (Ascaris lumbricoides, Cryptosporidium, Clonorchis sinensis, Microsporidia).

- Viêm mạch (Viêm đa nốt, Lupus ban đỏ hệ thống).

- Viêm tụy tự miễn, loại I (bệnh liên quan đến IgG4 toàn thân) và loại II.

- Nhiễm virus (Coxsackie, Cytomegalovirus, Echovirus, Epstein-Barr virus, Viêm gan A / B / C, HIV, Quai bị, rubella, Varicella).

-Nhiễm vi khuẩn (Campylobacter jejuni, Legionella, Leptospirosis, Mycobacterium avium, Mycobacterium tuberculosis, Mycoplasma).

- Do rượu.

- Bệnh mỡ máu (tăng triglyceride máu).

- Nồng độ canxi trong máu cao (tăng canxi huyết), có thể do tuyến cận giáp hoạt động quá mức (cường cận giáp).

- Bệnh ung thư tuyến tụy.

- Bệnh xơ nang.
Theo nghiên cứu, khoảng 10-30% tổng số ca bị viêm tụy cấp ở trẻ do mắc bệnh lý về đường mật như bị sỏi túi mật, sỏi nhỏ và cặn bùn đường mật, tắc nghẽn bóng Vater.
viem tuy 1 16853302306622048483754
Dấu hiệu lâm sàng để nhận biết viêm tụy ở trẻ là bệnh khởi phát đau bụng xảy ra đột ngột.


Có khoảng 10-50% nguyên nhân viêm tụy cấp xuất phát từ các bệnh lý toàn thân như nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, nhiễm độc... Có khoảng 5-25% nguyên nhân viêm tụy cấp ở trẻ em là do sử dụng các loại thuốc như Salicylate, Azathioprine, Valproic acid, Metronidazole,…; Khoảng 10-20% do chấn thương. Có 5-10% do mắc bệnh rối loạn chuyển hoá, có 15-30% vô căn (không tìm được nguyên nhân).

Biểu hiện của viêm tụy cấp ở trẻ

Dấu hiệu lâm sàng để nhận biết viêm tụy ở trẻ là bệnh khởi phát đau bụng xảy ra đột ngột. Thường đau trên rốn, có thể đau thượng vị, 1/4 trên phải, hay đau bụng trái. Tuy nhiên, biểu hiện đau bụng dễ nhầm với các bệnh lý thông thường khác.

Cơn đau bụng dữ dội đạt đến ngưỡng sau 10-20 phút, có thể kéo dài nhiều giờ. Không có tư thế giảm đau, nôn ói, có thể ói máu, sau ói không giảm đau. Do đó, khi trẻ có những triệu chứng trên cần được chẩn đoán điều trị sớm tránh bỏ sót bệnh hoặc điều trị muộn.

Mặc dù viêm tụy là một bệnh lý ít gặp ở trẻ em nên các dấu hiệu bệnh thường bị bỏ qua. Nếu chẩn đoán và xử trí muộn diễn tiến bệnh sẽ phức tạp (mất nước do nôn ói nhiều, hạ huyết áp, bụng chướng, liệt ruột, hạ canxi máu,…), tuyến tụy bị hoại tử và xuất huyết làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ có thể dẫn đến tử vong.

Do vậy, khi bé có triệu chứng nôn ói nhiều, cha mẹ cảm thấy lượng trẻ ói ra nhiều hơn lượng trẻ ăn vào cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm.
Điều trị viêm tụy cấp
Đối với các trường hợp viêm tụy cấp có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh cần được điều trị bằng kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng.

Theo khuyến cáo, chỉ nên dùng kháng sinh để điều trị viêm tụy cấp trong trường hợp có bằng chứng về nhiễm trùng. Bởi vì việc dùng kháng sinh nếu không đúng chỉ định, ngoài vấn đề chi phí thì có thể làm chậm và giảm lượng dịch truyền cần thiết của người bệnh, nhất là trong 24 – 48 giờ đầu sau khi nhập viện.

Ngoài ra, việc xử trí viêm tụy cấp còn tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh mà các bác sĩ chỉ định cho phù hợp.

Tóm lại: Viêm tụy cấp ở trẻ em là một trong những căn bệnh nguy hiểm, bệnh không có biểu hiện rõ ràng. Nếu phát hiện chậm, không đưa trẻ tới bệnh viện kịp thời, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong. Khi thấy trẻ có đau bụng bất thường các bậc cha mẹ phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế tránh hậu quả khó lường có thể xảy ra.

Tác giả bài viết: BSCK1. Nguyễn Quang Anh Tuấn

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Tin tức khác?

8 cách phòng hội chứng căng đau vai gáy hiệu quả

8 cách phòng hội chứng căng đau vai gáy hiệu quả

Hội chứng căng đau vai gáy là rối loạn cơ - xương thường gặp nhất mà ai cũng...

Trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần lưu ý 5 điều sau

Trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần lưu ý 5 điều sau

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em, nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng,...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?