7 cách phòng bệnh về da khi nồm ẩm cần làm ngay
Ngoài các bệnh về hô hấp, những căn bệnh về da khi thời tiết nồm ẩm gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn chủ quan không đi thăm khám kịp thời khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Các bác sĩ cho biết đã từng tiếp nhận những trường hợp nhiễm khuẩn, biến chứng nặng do nấm da, bệnh nhân bị thương tổn bội nhiễm gây rụng tóc hoàn toàn vùng da đó…
Chính vì vậy, TS.BS Trần Cẩm Vân, Trưởng khoa Xét nghiệm Vi sinh – Nấm – Ký sinh trùng, BV Da liễu Trung ương lưu ý người mắc bệnh về da cần:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân,
- Không mặc quần áo khi còn ẩm ướt, không dùng chung quần áo với người khác,
- Tránh tiếp xúc với những vật nuôi nhiễm bệnh như chó, mèo,
- Khi có dấu hiệu bất thường về da cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị sớm.
Để phòng ngừa xuất hiện các bệnh da liễu nói chung trong mùa nồm ẩm, theo chuyên gia da liễu khuyến cáo thực hiện 7 biện pháp dưới đây:
1. Hàng ngày, sau khi ra đường và nhất là ở nơi có nhiều khói bụi, nơi đông người về, bạn cần làm sạch da để tránh bụi tích tụ trên da, không nhất thiết phải rửa với sữa rửa mặt. Mỗi ngày bạn chỉ cần rửa bằng sữa rửa mặt từ 2-3 lần.
2. Để giữ cho mặt không bị mụn và bị nhiễm khuẩn, bạn cần giữ sạch khăn rửa mặt; thay vỏ gối, vỏ chăn ga thường xuyên và nhớ giữ cho vỏ gối, chăn, ga luôn sạch sẽ.
3. Tuyệt đối không mặc quần áo khi còn đang ẩm. Hãy sấy khô quần áo trước khi mặc, nhất là với trẻ em vì trời ẩm khiến quần áo sau giặt thường thiếu nắng, lâu khô khi mặc trên người dễ gây ngứa ngáy trên da.
4. Ban cũng cần thường xuyên vệ sinh nhà ở, môi trường sống sạch sẽ, giữ cho khô thoáng, hạn chế mở cửa nhiều thời gian trong ngày để hơi ẩm tràn vào nhà, có thể sử dụng điều hòa hoặc máy hút ẩm để hút hơi ẩm trong không khí trong nhà.
5. Cần ăn uống đủ chất, bổ sung rau củ, các loại hoa quả để tăng sức đề kháng cơ thể, giúp da khỏe mạnh, chống lại các tác nhân gây bệnh.
6. Uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế ăn các đồ cay nóng cũng là cách để phòng tránh các bệnh về da.
7. Khi xuất hiện các triệu chứng của các bệnh về da như: Viêm da, dị ứng, mẩn ngứa… bạn không nên tự ý mua thuốc về điều trị mà cần có sự tư vấn của bác sĩ.
Cách nhận biết nấm da
Theo BS. Nguyễn Lan Anh, BV Trung ương Quân đội 108, nấm da là mặt bệnh thường thấy, khiến người bệnh khó chịu. Nấm thường gây bệnh ở những nơi có chất sừng (keratin) như da, lông, tóc, móng. Các bệnh nấm thường gặp là: Nấm tóc, râu cằm, nấm thân mình (hắc lào, nấm bẹn, nấm kẽ, lang ben…), nấm móng tay, chân…
Biểu hiện lâm sàng của nấm da là các đám tròn, đỏ, ranh giới rõ, bờ đa cung, có thể có mụn nước nhỏ ở bờ viền. Khi chà xát, gãi nhiều hoặc dùng thuốc bôi không thích hợp (bôi acid, corticoid, pin đèn…), tổn thương có thể bị viêm trợt, chảy dịch, có khi có mủ, không còn rõ bờ viền.
Để điều trị bệnh nấm da, các chuyên gia thường khuyên dùng các thuốc bôi chống nấm. Với nấm da điều trị 3-4 tuần, nấm móng 3-6 tháng. Những trường hợp điều trị thuốc bôi không đáp ứng thì nên bổ sung thuốc kháng nấm đường uống.
Tác giả bài viết: Dương Hải
Nguồn tin: Báo Sức khỏe và Đời sống
Ý kiến bạn đọc
Tin tức khác?
Hóa chất trong đồ nhựa liên quan tới tăng nguy cơ trầm cảm...
Những bà mẹ có hàm lượng hóa chất nhựa phthalate trong cơ thể trước sinh cao hơn...
Đau đầu do thay đổi thời tiết: Biểu hiện, điều trị và ngăn...
Cơn đau đầu do thay đổi thời tiết có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng...