Cảnh báo hàng loạt học sinh nhập viện nghi do ăn quả cây ngô đồng
Cụ thế, vào ngày 23/3 trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 trường hợp là các em học sinh trường Trung học Cơ sở Quang Trung (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) nhập viện. Kết quả chuẩn đoán có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nghi do ăn quả cây ngô đồng.
Ngày 27/3, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh; Phòng Y tế các huyện, thành phố; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo các trường học rà soát, thu gom, xử lý ngay các quả còn sót trên cây ngô đồng. Ngoài ra loại bỏ các loại cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên trường.
Với một số loài cây khác trồng với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có biển cảnh báo và biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp với từng loại cây. Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc các độc tố tự nhiên, khuyến cáo cho người dân và các em học sinh tuyệt đối không ăn các loại cây, hoa, quả lạ từ các cây mọc hoang dại, cây mọc ở chùa, đình, làng, đặc biệt là cây mọc tại khuôn viên trường học.
Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các dấu hiệu đầu tiên của ngộ độc bao gồm buồn nôn, nôn, suy nhược và chóng mặt. Sau đó cơ thể xuất hiện các triệu chứng về thần kinh như suy giảm thị lực, nhìn mờ, mất chức năng cổ họng và miệng, bình thường khó nói, khô họng, mệt mỏi chung… Các triệu chứng tiêu hóa có thể xuất hiện như tiêu chảy, táo bón, kho cơ hoành và cơ ngực bị nhiễm độc, việc hô hấp sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến tử vong do ngạt.
Ngoài ra, các triệu chứng đột ngột thường từ 18 – 36 giờ khi ăn phải độc tố, mặc dù thời gian ủ bệnh có thể thay đổi từ 4 giờ đến 8 ngày. Dấu hiệu buồn nôn, nôn mửa, đau thắt bụng và tiêu chảy thường xảy ra trước các triệu chứng của thần kinh.
Đồng thời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, nếu muốn chuẩn đoán bệnh chính xác phải dựa vào nhiều yếu tố như điều tra dịch tễ, lâm sàng, xét nghiệm để kết luận chính xác và điều trị.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, các loài cây, quả, hoa chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như: Cây lá ngón, cây thông thiên, cây đai vàng, cây bông tai, cây thầu dầu, cây ngô đồng, cây hồng trâu... Người dân tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa, quả có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ gây độc để ăn, uống. Đặc biệt, các gia đình cần trông nom, quan sát trẻ cẩn thận; hướng dẫn các trẻ lớn nhận biết quả gây độc, không tự hái, ăn những quả lạ ngoài thiên nhiên.
Tác giả bài viết: Hồng Ngọc
Nguồn tin: Báo Sức khỏe và Đời sống
Ý kiến bạn đọc
Tin tức khác?
Hóa chất trong đồ nhựa liên quan tới tăng nguy cơ trầm cảm...
Những bà mẹ có hàm lượng hóa chất nhựa phthalate trong cơ thể trước sinh cao hơn...
Đau đầu do thay đổi thời tiết: Biểu hiện, điều trị và ngăn...
Cơn đau đầu do thay đổi thời tiết có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng...