Tập luyện thể lực phù hợp góp phần giúp kiểm soát cơn hen tốt hơn. Vì vậy, người bệnh hen phế quản nên duy trì vận động thể lực khoa học, đúng phương pháp và thích hợp với cá nhân.
Hen phế quản là bệnh lý mạn tính đường hô hấp, gây giảm thông khí hoặc tắc nghẽn mạn tính đường thở. Người bệnh hen phế quản thường nhạy cảm với nhiều kích thích khác nhau, đặc biệt gắng sức là một trong những yếu tố có thể gây khởi phát cơn hen.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tập luyện thể lực phù hợp có thể giúp cải thiện thông khí hô hấp, giảm bớt tình trạng khó thở nói chung và khó thở gây ra do gắng sức nói riêng, nâng cao năng lực vận động và sức khỏe thể chất, góp phần giúp kiểm soát cơn hen tốt hơn. Do đó, người bệnh hen phế quản nên duy trì vận động thể lực phù hợp, đúng phương pháp.
1. Phương pháp tập luyện cho người bệnh hen phế quản
Làm nóng cơ thể bằng cách khởi động 5-10 phút trước khi tập. Có thể bắt đầu bằng đi bộ chậm, vận động cơ khớp nhẹ nhàng, mềm dẻo.
Tiếp theo có thể chạy cự ly ngắn (30-60m) trong khoảng 15-30 giây, nghỉ khoảng 30 giây, lặp lại 2-3 lần.
Người bệnh nên tập các bài tập tăng cơ lực cơ thân, chi trên (cơ thang, cơ rộng lưng, cơ nhị đầu, tam đầu cánh tay, các cơ ngực, cơ vai, cơ liên sườn…) như bài tập tay, bài tập thân trên...
Các bài tập này phối hợp với các bài tập thở vừa giúp tăng cơ lực, vừa có tác dụng tăng thông khí nhờ tăng hoạt động của các cơ hô hấp và sự giãn nở của lồng ngực.
Các bài tập tăng lực cơ chi dưới như đứng lên ngồi xuống, đá chân... ít tác động trực tiếp đến chức năng hô hấp. Mỗi bài tập nên thực hiện 8-12 lần trong 2-3 lượt với cường độ khoảng 50-70% cường độ tối đa có thể thực hiện.
Các bài tập cử động vùng cổ, vai, ngực, đùi giúp tăng độ dẻo dai có thể được lồng ghép xen kẽ trong mỗi buổi tập.