Tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh làm gia tăng thừa cân, béo phì ở Việt Nam
Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi của nước ta tăng gấp 7 lần
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng, chất lượng sống của người dân và nhiều hệ quả kinh tế - xã hội khác.
Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính hằng năm, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc, trong đó chủ yếu là các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường….
Bên cạnh đó, những thập kỷ gần đây, gánh nặng thừa cân béo phì trên toàn thế giới đã gia tăng nhanh chóng với xu hướng chuyển dịch từ các nước thu nhập cao sang các nước thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 đến 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016).
"Thừa cân, béo phì làm tăng các yếu tố nguy cơ của một số bệnh không lây nhiễm (NCDs) bao gồm ung thư, bệnh tim, trẻ hóa độ tuổi mắc nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường type 2 và tử vong sớm liên quan"- Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.
Theo Lãnh đạo Bộ Y tế, căn nguyên gây nên bệnh béo phì và một số bệnh không lây nhiễm rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng tiêu thụ đường tự do, đặc biệt là từ đồ uống có đường ở cả trẻ em và người lớn.
Cùng với lượng đường được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm trái cây và sữa, việc bổ sung đường vào các sản phẩm thực phẩm sẽ làm tăng tổng hàm lượng năng lượng của sản phẩm. Mức tiêu thụ đồ uống có đường gia tăng nhanh được coi là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam. Thừa cân béo phì lại là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm.
Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết để giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe trẻ em.
Một lon nước ngọt 300 hoặc 330ml, người tiêu dùng đã đưa vào cơ thể 30-40g đường
"Đường tự do hay đường thêm vào sẵn có xung quanh ta. Có những thực phẩm chúng ta không nghĩ có đường thì nó có đường như nước tương cà, tương ớt, sốt… Vì thế, cập nhật nhãn dinh dưỡng cũng là công cụ hiệu quả để giảm tiêu thụ đường" - BS Nguyễn Hồng Diễm, Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.
Một lon nước ngọt 300 hoặc 330ml cung cấp 30-40g đường. Trong đó, WHO khuyến nghị mỗi ngày chỉ nên ăn 25g đường (tương đương 5 thìa cà phê), mức tối đa là 50g/ngày.
Bà Lesley Miller, Quyền Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, trẻ em bị thừa cân, béo phì có khả năng tiếp tục bị thừa cân, béo phì khi trưởng thành, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Đã có nhiều báo cáo, nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ đồ uống có đường góp phần làm tăng cân ở cả người lớn và trẻ em.
Với thanh thiếu niên, chế độ ăn không lành mạnh gồm tiêu thụ đồ uống có đường là yếu tố nguy cơ chủ yếu dẫn đến thừa cân, béo phì. Trong khi đó, biện pháp thuế giúp mang lại lợi ích từ nhiều phía, lợi ích về sức khỏe, nguồn thu cho ngân sách. Đồng thời, Việt Nam cũng cần nâng cao nhận thức cho trẻ, cho các em có quyền được lựa chọn các sản phẩm lành mạnh khi được biết thông tin về dinh dưỡng.
Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang đề xuất lựa chọn một trong 3 giải pháp để giải quyết vấn đề, cụ thể:
- Thứ nhất: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, bên cạnh đó áp dụng với các giải pháp khác nhau như truyền thông, ghi nhãn đồ uống có đường.
- Thứ hai: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
- Thứ ba: Nhà nước không can thiệp đến vấn đề này, thị trường về đồ uống có đường và tiêu thụ đồ uống có đường của người dân vẫn như thực trạng hiện nay.
Bộ Y tế kiến nghị giải pháp thứ nhất là hiệu quả, có sức nặng nhất, kinh tế nhất và mang lại lợi ích cho sức khỏe người dân. Giải pháp thứ 2 mạnh nhưng chưa phải giải pháp toàn diện. Bộ không khuyến nghị lựa chọn giải pháp thứ 3.
"Nếu chỉ truyền thông thôi thì hiệu quả không cao. Để truyền thông mà thay đổi được hành vi cần 10-20 năm, thay đổi là rất nhỏ. Thuế và giá là biện pháp mạnh cùng với kiểm soát quảng cáo, giảm tính sẵn có của sản phẩm", Phó Vụ trưởng Trần Thị Trang nhấn mạnh.
Trên cơ sở quan điểm bảo vệ sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế cho rằng cần đánh thuế theo hàm lượng đường. Cụ thể, sẽ quy định ngưỡng, dưới ngưỡng không đánh thuế, trên ngưỡng thì đánh thuế và đánh theo mức thuế càng nhiều đường càng cao. Các sản phẩm bị đánh thuế sẽ không bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng mục đích dinh dưỡng…
Từ thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết để giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe trẻ em. Việc giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong cũng giúp giảm gánh nặng chăm sóc y tế, giảm chi tiêu từ ngân sách, bảo hiểm y tế và chi phí của người dân.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao nhiệm vụ soạn thảo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi để trình Quốc hội. Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, đặc biệt là thực hiện quan điểm dự phòng tích cực, chủ động, Bộ Y tế ủng hộ các giải pháp phòng, chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm.
Do đó, Bộ Y tế đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu, đánh giá, cung cấp thông tin về các tác động của việc tiêu thụ đồ uống có đường đến sức khỏe và các tác động của chính sách thuế đối với việc ngăn ngừa và giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong của các bệnh không lây nhiễm, thừa cân, béo phì.
Tác giả bài viết: Thái Bình - ảnh Trần Minh
Nguồn tin: Báo Sức khỏe và Đời sống
Ý kiến bạn đọc
Tin tức khác?
Hóa chất trong đồ nhựa liên quan tới tăng nguy cơ trầm cảm...
Những bà mẹ có hàm lượng hóa chất nhựa phthalate trong cơ thể trước sinh cao hơn...
Đau đầu do thay đổi thời tiết: Biểu hiện, điều trị và ngăn...
Cơn đau đầu do thay đổi thời tiết có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng...